Các trang trại nổi nuôi cá truyền thống của Singapore đang dần biến mất (24-12-2024)

Các trang trại nổi nuôi cá dọc theo eo biển Johor, nơi ngăn cách Singapore với quốc gia láng giềng Malaysia là dấu tích còn lại của những làng chài trong quá khứ của đảo quốc sư tử. Các trang trại đơn giản được tạo thành từ ván ghép đặt trên các thùng rỗng nằm trong vùng nước êm đềm quanh năm, dưới cái nắng gay gắt hoàn toàn tương phản với những tòa chung cư cao tầng hiện đại ở phía sau.
Các trang trại nổi nuôi cá truyền thống của Singapore đang dần biến mất
Ảnh minh họa

Hầu hết các trang trại này đều của tư nhân, một số được thành lập do đam mê thay vì mục tiêu lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận của chúng thường không cao. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc duy trì hoạt động là một cuộc đấu tranh liên tục. Trong bối cảnh chi phí tăng cao, những thách thức về môi trường và cũng như việc các thế hệ sau phải miễn cưỡng duy trì hoạt động của các trang trại, một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng, trong bối cảnh nghề nông truyền thống ở Singapore giống như một ngành công nghiệp đang lụi tàn.

Số lượng trang trại nuôi cá đang giảm dần

Giống như những người bán hàng rong và những ngôi làng truyền thống, các trang trại nuôi cá nổi là một phần bản sắc văn hóa và kinh tế của Singapore đang nhanh chóng biến mất khi thành phố-quốc gia này phát triển vượt xa nguồn gốc làng chài của mình.

“Kelong” - các giàn gỗ ngoài khơi được sử dụng để bẫy cá - từng là cảnh tượng phổ biến dọc theo bờ biển. Nhưng từ năm 1965, Chính phủ đã ngừng cấp giấy phép mới nên hiện nay, chỉ còn lại bốn “kelong” ở Singapore. Do sản lượng đánh bắt từ tự nhiên ngày càng giảm và chi phí để duy trì các “kelong” ngày càng tăng, những người chủ “kelong” cũng thấy cần phải chuyển sang phát triển nuôi cá thành một hoạt động thương mại. Một số chủ “kelong” đã bắt đầu chuyển sang các trang trại nuôi cá ven biển. Nhiều người dân địa phương vẫn gọi những trang trại nuôi cá nổi này là “kelong”, mặc dù chúng không hoàn toàn giống nhau. Mặc dù vậy, số lượng các trang trại nuôi cá cũng đang giảm dần, ngay cả khi đảo quốc khan hiếm tài nguyên này đang tiến gần đến thời hạn cho mục tiêu sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng của mình vào năm 2030.

Khó cạnh tranh về giá với các đối thủ trong khu vực

Theo dữ liệu của Cơ quan Lương thực Singapore (SFA), tính đến tháng 10/2024, chỉ còn 74 trang trại nuôi cá trên biển ở Singapore, so với 98 trang trại vào cuối năm 2023. Điều này có nghĩa là khoảng 1/4 các trang trại này đã đóng cửa trong năm qua.

Một số nông dân cho biết từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024, SFA hỗ trợ cho mỗi nông dân 100.000 đô la Singapore, tương đương 74.500 USD để thu hẹp hoạt động. Những người đã nhận khoản tài trợ thường lấy lý do chi phí cao, điều kiện môi trường và nghỉ hưu để rời khỏi ngành. Mặc dù vậy, không có số liệu chính thức về số lượng nông dân nhận khoản tài trợ này. Trên thực tế, để cạnh tranh trên thị trường, hàng hóa sản xuất trong nước phải rẻ hơn hàng nhập khẩu. Song điều này rất khó xảy ra, đặc biệt là với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.

Theo nghiên cứu về nuôi cá bền vững ở Singapore do Kevin Cheong, một giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quản lý Singapore tiến hành cho thấy chi phí điều hành một doanh nghiệp ở Singapore có xu hướng cao hơn so với các nước láng giềng. Chi phí điện, chi phí đất đai, chi phí lao động, tất cả những thứ này đều không có lợi cho người tiêu dùng. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ở Singapore sẽ rất khó khăn.

Do các trang trại nổi được làm từ gỗ nên chúng cần được bảo dưỡng thường xuyên. Mỗi tấn gỗ Chengal dùng để làm trang trại có thể lên tới 4.000 đô la Singapore. Do vậy, lợi nhuận của các trang trại thực sự không nhiều, hầu như chỉ đủ để duy trì hoạt động.

Một môi trường đầy thách thức

Ngoài những hạn chế về chi phí, người nuôi cá còn bị sa lầy bởi những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Toh Tai Chong, giảng viên cao cấp tại Phòng thí nghiệm Sinh thái Rạn san hô thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nhiệt độ tăng cao có thể dẫn đến tỷ lệ bùng phát dịch bệnh và hiện tượng tảo nở hoa cao hơn. Đặc biệt, tình trạng tảo nở hoa sẽ gây tử vong cao cho cá vì chúng làm cạn kiệt oxy trong nước và khiến cá chết hàng loạt. Ngoài ra, các trang trại nuôi cá trên biển đặc biệt dễ bị tổn thương vì cá được nuôi trong môi trường tự nhiên, gần như không thể kiểm soát được trước các biến động của môi trường.

Tình trạng ngày càng tồi tệ của người nông dân

Trước đây, người nuôi cá không cần phải chăm sóc chúng quá nhiều. Công việc duy nhất cần làm là cho chúng ăn và đợi chúng lớn để bán. Tuy nhiên, hiện nay nông dân Singapore phải cho chúng ăn và chăm sóc chúng. Để đối phó với môi trường đang thay đổi, những người nuôi cá biển phải lựa chọn các loài khỏe mạnh để nuôi hoặc đầu tư vào các công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại. Nhiều giải pháp trong số này tập trung vào việc nuôi cá trong lồng kín để người nuôi có thể kiểm soát môi trường tốt hơn. Một số khác cố gắng áp dụng các kỹ thuật hiện đại và bền vững hơn vào trang trại truyền thống của mình, chẳng hạn như sử dụng tấm pin mặt trời để tạo năng lượng và sử dụng thức ăn dạng viên ít gây ô nhiễm nguồn nước hơn so với thức ăn cho cá thông thường.

Dù vậy, trên thực tế, thách thức còn lớn hơn nhiều do hầu hết các trang trại nuôi cá trên biển đều không có nguồn điện chính thức. Điều này có nghĩa là người nuôi sẽ phải chịu thêm chi phí lắp đặt máy phát điện diesel hoặc tấm pin mặt trời để vận hành các hệ thống nuôi này. Việc triển khai bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng rất tốn kém vì chúng hầu hết đều cần đến điện. Tất cả những khó khăn này khiến cho những người trẻ chùn bước, họ không muốn tiếp tục theo đuổi nghề của cha ông mình nữa.

Nỗ lực duy trì hoạt động

Để giúp nông dân duy trì hoạt động kinh doanh của mình, chính quyền địa phương đã vào cuộc với các kế hoạch cải tổ ngành nuôi trồng thủy sản. Vào tháng 11, Chính phủ Singapore đã công bố Kế hoạch nuôi trồng thủy sản Singapore. Một số sáng kiến ​​mới như tăng nguồn cung cá giống sản xuất tại địa phương với chất lượng vượt trội hay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương xuất khẩu cá sang Trung Quốc đã được triển khai.

Các trang trại nuôi cá cũng đóng góp một phần vào hoạt động sản xuất tại địa phương, đồng thời góp phần đa dạng hóa nguồn hải sản trong nước, tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn hải sản nhập khẩu cũng như giúp chủ động ứng phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung ở nước ngoài. SFA sẽ cung cấp tư vấn và hỗ trợ tài chính cho những người nông dân muốn tăng năng suất trang trại nuôi cá nhờ vào việc áp dụng các công nghệ mới. Mặt khác, chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ đào tạo và tìm việc làm mới cho những người nông dân muốn chuyển đổi nghề.

Mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất ổn, một số nông dân trẻ đang tìm ra những cách mới để duy trì hoạt động cho các trang trại nuôi cá của mình. Một trong những biện pháp được áp dụng là mở nhà hàng hải sản và cửa hàng đồ ăn để trực tiếp tiêu thụ nguồn cá nuôi. Bằng việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên đất liền, cùng với sự ủng hộ của người dân nhờ vào việc tiêu thụ các sản phẩm cá nuôi tại địa phương, những người nuôi cá hy vọng có thể phát triển hoạt động kinh doanh và ngành nuôi trồng thủy sản sẽ tồn tại và phát triển trong tương lai.

Hương Trà (theo seafoodnews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác